Vừa ra mắt, tân binh MG xác nhận sản xuất tại Việt Nam
05/09/2020Ra mắt 7/2020, MG hay Morris Garages, thương hiệu ô tô khá lâu đời trên thế giới nhưng còn xa lạ với khách hàng Việt, lập tức xác nhận sẽ sản xuất tại nhà máy ở Đà Nẵng trong năm 2021. Một kế hoạch tự tin hay mạo hiểm?
Tự tin?
Bỏ qua lần xuất hiện chớp nhoáng tại thị trường Việt Nam cách đây vài năm (2012), MG vẫn được xem là cái tên hoàn toàn mới với đa số người tiêu dùng Việt Nam. MG ra đời tại Anh từ năm 1924 và từng là một thương hiệu xe hơi thể thao nổi tiếng, song cũng như nhiều thương hiệu xe hơi Anh quốc khác, MG sang tên đổi chủ nhiều lần.
MG được tập đoàn BMW mua lại vào năm 1994, sau đó, năm 2005 lại sang tên cho tập đoàn ô tô Nam Kinh và từ 2007 tới nay thì thương hiệu này gia nhập tập đoàn ô tô Thượng Hải SAIC, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn hàng đầu Trung Quốc (sản xuất cả Audi trong một liên doanh với thương hiệu xe Đức). Cho tới năm 2014, MG vẫn giành được chức Vô địch- Manufacturer’s Championship trên đường đua Motorsport, đánh bại nhà vô địch 4 mùa liên tiếp Honda.
Cùng với Volvo (thương hiệu Thuỵ Điển, giờ thuộc tập đoàn Geely), GM là một thương hiệu xe hơi châu Âu từng có giá trị được người Trung Quốc mua lại và tìm cách vực dậy theo những định hướng chiến lược khác nhau. Nếu Volvo vẫn duy trì đầu não R&D và nhà máy sản xuất tại châu Âu, giữ định vị xe châu Âu hạng sang, dè dặt đưa việc sản xuất Volvo về châu Á và Đông Nam Á (với nhà máy đầu tiên tại Malaysia mới đi vào hoạt động). Thì MG gần như được nhắm chính tới thị trường châu Á, với tham vọng cạnh tranh trực tiếp với xe Nhật vốn đang nắm thị phần chính tại đây. Sau khi đóng cửa nhà máy tại Longbridge, Anh, vào năm 2016, GM hiện đang được sản xuất tại 6 nhà máy đều đặt ở châu Á, trong đó lớn nhất là Thượng Hải.
Cuộc “thăm dò” thị trường Đông Nam Á của MG khởi đầu từ thị trường Thái Lan cho kết quả khả quan. Năm ngoái, họ đã vượt qua Suzuki Motor về doanh số. Và trong 5 tháng đầu năm nay, chiếc MG ZS dẫn đầu phân khúc SUV cỡ nhỏ trong khi MG HS đứng thứ hai trong phân khúc SUV hạng C (trên cả Honda CR-V) về số lượng xe bán được- tại thị trường Thái Lan. Thắng lợi bước đầu của MG được các chuyên gia Nikkei Asian Review, trang thông tin kinh tế Đông Nam Á uy tín, phân tích là nhờ vào : “Thiết kế được kế thừa từ thương hiệu MG + sản xuất với chi phí thấp của Trung Quốc”. Một so sánh cụ thể, chiếc sedan MG3 có giá khởi điểm tại Thái chỉ 519.000 baht (17.200 USD) nhưng đối thủ cùng phân khúc Mazda3 lại có giá tới 969.000 baht. Không ít người tiêu dùng Thái Lan, nhất là những người trẻ, đã thay thế sự tôn sùng các thương hiệu xe hơi Nhật Bản, để thử sau tay lái với chiếc xe “có thiết kế châu Âu giá phải chăng”.
Mạo hiểm?
Hai mẫu xe ra mắt người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM cuối tháng 7 vừa qua của MG – ZS và HS đều thuộc dòng CUV đang “hot’ tại Việt Nam. Hiện tại hai mẫu xe này đang được nhập khẩu từ Thượng Hải, theo nhà phân phối TC Services Việt Nam (thuộc tập đoàn Tan Chong, Malaysia), tới cuối năm nay sẽ đổi nguồn nhập khẩu từ Thái Lan và cuối 2021 sẽ được lắp ráp tại nhà máy của Tan Chong tại Đà Nẵng. Mở ngoặc ở đây, nhà máy lắp ráp ô tô Tan Chong tại Đà Nẵng chính là nơi đang lắp ráp các mẫu xe Nissan. Tuy nhiên tới tháng 9 năm nay hợp tác nối dài của Tan Chong và Nissan Motor chấm dứt, nhiều khả năng xe Nissan sẽ được chuyển qua lắp ráp tại một nhà máy khác ở Việt Nam, “nhường lại” dây chuyền này cho MG.
Cả hai mẫu xe chào sân của MG đều bắt mắt ở thiết kế phong cách châu Âu. Các trang thiết bị tiện ích đi kèm cùng bảng liệt kê công nghệ an toàn thuộc loại “gây choáng ngợp”. Như cửa sổ trời panorama “khủng”, đèn nội thất đa sắc, ghế dạng thể thao, cửa gió điều hoà mô phỏng động cơ máy bay, hệ thống kiểm soát cân bằng động, chức năng làm khô phanh đĩa, cảm biến áp suất lốp trực tiếp, kiểm soát phanh góc cua, cảm biến chống va chạm phía sau, chống lật xe, cảm báo điểm mù, cảnh báo mở cửa an toàn, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, hỗ trợ chuyển làn…Để thêm hấp dẫn người tiêu dùng, MG Việt Nam đảm bảo hỗ trợ 50% phí trước bạ (tương đương xe lắp ráp trong nước), bảo hành 5 năm không giới hạn cây số và 5 lần bảo dưỡng miễn phí.
Tuy vậy nguồn gốc Trung Quốc và chưa được người tiêu dùng kiểm chứng chất lượng là một rào cản lớn của MG tại Việt Nam. Chưa kể, cuộc cạnh tranh phân khúc CUV đô thị và CUV cỡ trung đang rất gay gắt với nhiều tân binh Nhật, Hàn, và với mức giá công bố từ 518 triệu cho ZS bản thấp nhất tới 990 triệu đồng cho HS bản cao cấp nhất thì MG chưa có lợi thế về giá so với các đối thủ. Và việc lắp ráp trong nước nếu không đạt doanh số bán khả quan, có thể lại là một áp lực mới.
MG đang tự tin tăng tốc tại thị trường Thái Lan. Nhưng tại thị trường Việt Nam, sự tự tin luôn song hành với mạo hiểm cho nhà sản xuất và nhà đầu tư.
Theo Thể thao & Văn hóa